Tham vọng dòng tộc Loạn_chư_Lã

Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời (195 TCN), người kế vị là Hán Huệ Đế Lưu Doanh hèn yếu, quyền lực trong triều rơi vào tay Lã Thái hậu. Đến năm 187 TCN, Huệ Đế mất, không có con nối dõi. Lã Thái hậu lấy con của người khác, giết mẹ chúng rồi bảo là con Huệ Đế[2], sau đó lập liên tiếp hai Thiếu Đế lên ngôi, còn Lã Thái hậu lấy cớ vua còn nhỏ, lâm triều xưng chế, tự nắm hết quyền lực.

Trước kia khi Hán Cao Tổ sắp mất, ông đã có giao ước với các đại thần: "Ai không phải họ Lưu mà lên làm Vương, thì Thiên hạ cùng đánh nó"[2][3]. Tuy nhiên khi nắm quyền trong tay, Lã Thái hậu cũng muốn phong cho thân thích họ Lã làm Vương. Nguyên vào thời Cao Tổ, các thân tộc họ Lã cũng đã được phong hầu, cụ thể như sau:

  1. Lã Trạch (吕泽), anh trưởng Lã hậu, được phong làm Chu Lã hầu (周吕侯).
  2. Lã Thích Chi (吕释之), anh thứ của Lã hậu, được phong làm Kiến Thành hầu (建成侯).

Đến khi nắm quyền, Lã hậu lại phong thêm cho các thân tộc họ Lã:

  1. Lã Tu, em gái Lã hậu làm Lâm Quang hầu (临光侯).
  2. Lã Thái (吕台), con trưởng Lã Trạch, được phong Chu Lã hầu (周吕侯).
  3. Lã Sản (呂產), con thứ Lã Trạch, được phong Giao hầu (交侯).
  4. Lã Lộc (呂祿), con Lã Thích Chi, được phong Hồ Lăng hầu (胡陵侯)[2].

Những năm tiếp theo, Lã hậu dần diệt các thân tộc họ Lưu để phong vương cho họ Lã: giết ba vị Triệu vương họ Lưu[4], muốn hại Tề vương Lưu Phì. Năm 187 TCN, Lã Thái hậu đổi Lã Thái làm Lã vương (吕王), trở thành người đầu tiên của họ Lã được phong vương.

Năm 181 TCN, Triệu vương Lưu Khôi và Yên vương Lưu Kiến mất, Lã hậu bỏ con cháu của họ, lập Lã Lộc làm Triệu vương (趙王) và Lã Thông làm Yên vương (燕王); còn Lã Gia (呂嘉), con của Lã Thái, có tội bị giáng. Con thứ của Lã Trạch là Lã Sản được phong làm Lã vương, sau đổi làm Lương vương (梁王)[2].

Ngoài ra, Lã hậu tìm cách lấy lòng dòng dõi của Tề vương ở phía đông, phong cho hai người con của Điệu vương nước Tề là Lưu ChươngLưu Hưng Cư lên tước hầu. Tóm lại, vào cuối thời Lã Thái hậu, trong lãnh thổ nhà Hán có 13 chư hầu vương, trong đó 9 người họ Lưu, ba người họ Lã, hai người họ khác (Trường Sa vương Ngô Thần, Lỗ vương Trương Yển) cụ thể như sau:

Vương họ LưuVương họ Lã
Tế Xuyên vương Lưu TháiTriệu vương Lã Lộc
Thường Sơn vương Lưu TriềuLương vương Lã Sản
Hoài Dương vương Lưu Vũ[5]Yên vương Lã Thông
Sở vương Lưu Giao
Ngô vương Lưu Tị
Đại vương Lưu Hằng
Hoài Nam vương Lưu Trường
Lang Tà vương Lưu Trạch
Tề vương Lưu Tương

Tuy số Vương họ Lưu áp đảo, song cả ba vương họ Lã đều nắm quyền trong nước, thế lực mạnh, còn trong số các vương họ Lưu thì Tế Xuyên vương, Thường Sơn vương, Hoài Dương vương còn nhỏ nên ở kinh đô, không có thực quyền, Ngô vương và Sở vương ở xa, cộng thêm Lã hậu nắm quyền triều chính nên mọi quyền lực đều nằm trong tay họ Lã.